Sếp trẻ hay sếp GenZ sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012. Dù thâm niên chưa nhiều, năng lực và thái độ tuyệt vời đã giúp nhiều bạn trẻ GenZ tiến xa hành trình thăng tiến trong sự nghiệp. Mặc dù vậy, không ít người vẫn “ái ngại” khi phải làm việc với sếp trẻ. Vậy làm việc cùng sếp trẻ được gì và mất gì? Cùng CCExperts tìm hiểu dưới đây nhé!
Những lợi thế to lớn khi làm việc cùng sếp trẻ
Làm đúng việc
Không ít những vị sếp lớn tuổi thường coi nhân viên như “tay sai”. Họ coi những việc lặt vặt như in tài liệu, rót nước, pha cà phê,… là điều dĩ nhiên nhân viên phải làm. Hiểu được điều đó, những vị sếp trẻ đã thay đổi hướng đi. Họ sẵn sàng chia sẻ hào quang cho nhân sự của mình toả sáng thay vì chỉ là một “chân chạy vặt” theo yêu cầu.
Bầu không khí thoải mái
Sếp trẻ có thể khó khăn và nghiêm túc với nhân sự trong công việc. Tuy vậy, họ lại hoàn toàn thoải mái và hòa đồng sau giờ làm. Họ dễ dàng tham gia tích cực vào các câu chuyện giải trí, hoạt động cùng nhân sự. Điều này đối lập hoàn toàn so với tư duy chủ – tớ mà những vị sếp già vẫn còn giữ từ thời đại cũ.
Cơ hội sửa sai
Nhân viên giờ đây có thể linh hoạt áp dụng những phương pháp làm việc mới, tự tin đề xuất ý kiến,… mà ít phải lo sợ sẽ gặp chỉ trích vì làm sai. Sếp trẻ sẽ không quát tháo bạn thẳng thừng trước mặt những nhân sự khác, không “lên lớp” kiến thức và tuổi nghề như sếp già. Họ sẽ nhẹ nhàng cho bạn một cơ hội sửa sai và sự tin tưởng cần thiết.
Làm việc cùng sếp trẻ không hề tệ như bạn nghĩ
Lắng nghe và giao tiếp hiệu quả
Đừng quá đặt nặng tuổi tác, điều bạn cần phải chú ý là sự giao tiếp rõ ràng với vị lãnh đạo trẻ tuổi. Bạn và sếp cần phải có những cuộc trao đổi thẳng thắn, chân tình. Cũng đừng ngại nêu lên những kỳ vọng của bạn trong công việc và cách làm việc của sếp. Họ sẽ luôn chú ý lắng nghe “tâm tư nguyện vọng” của nhân sự mình và ghi nhận những đóng góp trung thực ấy.
“Làn gió mới” cho doanh nghiệp
Sự trẻ trung, năng động của những vị sếp trẻ tài ba là không thể bàn cãi. Từ việc ứng xử với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, đạo đức nghề nghiệp… cho đến văn hóa làm việc, hội họp, tổ chức hoạt động thường niên. Đôi khi sếp trẻ còn sẵn lòng giúp đỡ nhân sự của mình khi được nhờ vả. Điều này là rất hiếm khi xảy ra khi bạn làm việc cùng sếp lớn tuổi hơn.
Thiệt thòi khi làm việc cùng sếp trẻ
Bên cạnh những thuận lợi, nhân sự có thể gặp rắc rối với những người lãnh đạo trẻ tuổi. Sự thiếu hụt thâm niên trong nghề cũng là một điểm yếu. Để làm sáng tỏ những bất lợi đó là gì, hãy cùng CCExperts tiếp tục tìm hiểu dưới đây.
Thiếu kinh nghiệm quản lý
Mặc dù sở hữu năng lực chuyên môn vượt trội, sếp trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Là nhà quản lý, họ phải “nằm lòng” những điểm mạnh, yếu của nhân sự, tạo cơ hội phát triển và khắc phục khuyết điểm. Sự phân bố nhân lực không hiệu quả sẽ khiến tiến độ công việc chung bị đình trệ không ít.
Phân biệt đối xử
Kinh nghiệm sống ít ỏi dễ khiến sếp trẻ bị “thao túng” bởi những lời nói một chiều, sự xu nịnh giả tạo bởi một số nhân sự toan tính. Họ chưa đủ “chín” để nhận diện được đâu là những lời khuyên mang tính xây dựng, đâu chỉ là những lời mách lẻo, bới móc khuyết điểm của người khác để ghi điểm với sếp. Điều này sẽ gây ra sự thiên vị và thiếu công bằng với không ít nhân sự.
Làm việc cùng sếp trẻ không phải lúc nào cũng thuận lợi
Luôn muốn hơn người
Người trẻ, đặc biệt là những người trẻ thành công từ sớm, sẽ dễ hình thành tính hiếu thắng và một cái tôi cao ngất trời. Họ luôn đưa ra những ý kiến táo bạo, mong muốn thay đổi công ty trong thời gian ngắn nhất. Sự bướng bỉnh của những vị sếp trẻ có thể khiến họ khó dung hòa với nhân viên.
Quá tải cảm xúc
Làm sếp không đồng nghĩa với không bị chê bai. Khi chịu áp lực từ những người lãnh đạo phía trên, sếp trẻ vẫn có thể bị mất kiểm soát. Họ dường như nao núng hơn khi bị chính nhân viên của mình nói xấu, cô lập. Họ dễ lung lay khi không nhận được sự tôn trọng đáng có. Sếp trẻ cần học cách kiểm soát cảm xúc để không ảnh hưởng tinh thần của tập thể.
Kết luận
Để chinh phục cấp dưới của mình là một bài toán khó dành cho bất cứ nhà lãnh đạo nào. Các sếp trẻ và nhân sự cần nhiều thời gian để làm quen với nhau và phối hợp khéo léo. Dù sếp có nhỏ tuổi hơn bạn, họ vẫn là người lãnh đạo. Bạn cần tôn trọng sếp cả trong công việc lẫn ngoài đời. Theo dõi CCExperts để cập nhật thêm nhiều bài viết về văn hóa công sở nhé!
Ngọc Mai
CCExperts