Ngày nay, nhiều nhân viên ngày càng thiếu đi sự gắn bó với tổ chức.Trong đó, những người trẻ đặc biệt là thế hệ gen Z là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến sự rời bỏ nhanh chóng tại doanh nghiệp.
Có nhiều cách thức đã được đưa ra để giúp sự gắn kết nội bộ trở nên tốt hơn tuy nhiên với thực tiễn bây giờ đó có phải là chọn lựa tối ưu nhất không?
Hãy cùng CCExperts khám phá quy tắc 5P – một quy tắc mới giúp gia tăng sự gắn kết nội bộ nhanh chóng và hiệu quả!
Ảnh: Blue C
Quy tắc số 1: Proximity – Gần gũi
Sự gần gũi đóng vai trò rất quan trọng, tạo sự gắn kết và tăng tương tác giữa người với người kết nối lại với nhau hơn. Điều này không chỉ được thể hiện ngoài đời sống thường ngày mà chính trong những tổ chức, doanh nghiệp lại càng được đề cao hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, con người thường có xu hướng dễ mở lòng và hợp tác với những người mà họ cảm thấy quen thuộc. Do đó, những nhân viên có sự tương tác thường xuyên sẽ thường xuyên được nghĩ đến đầu tiên khi có vấn đề phát sinh. Họ cũng có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành nhiệm vụ nếu công việc đó liên quan đến những người mà họ biết và quen thuộc.
Khi nhân viên cảm thấy họ có mối liên hệ rõ ràng với đồng nghiệp, hiểu được cách công việc của mình liên quan đến công việc của người khác và cảm nhận được sự tin tưởng từ đồng đội, họ sẽ cảm thấy mình thực sự thuộc về tổ chức.
Vậy làm thế nào để tăng cường sự gần gũi trong tổ chức?
Để duy trì sự linh hoạt trong môi trường làm việc đồng thời thúc đẩy sự gắn kết và hiệu quả hợp tác giữa các nhân viên, tổ chức có thể áp dụng những quy định và hoạt động sau:
- Quy định về thời gian có mặt tại văn phòng: Đặt ra khung giờ chính mà nhân viên cần có mặt ở văn phòng, chẳng hạn từ 10:00 sáng đến 3:00 chiều. Điều này đảm bảo các cuộc họp và tương tác nhóm có thể diễn ra dễ dàng trong khoảng thời gian này. Nhân viên có thể chọn giờ làm việc linh hoạt ngoài khung giờ này, miễn là họ hoàn thành công việc và tham gia đầy đủ các cuộc họp cần thiết.
- Tạo điều kiện cho sự hợp tác của những người gần gũi:
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhóm nhỏ hoặc các nhân viên gần gũi làm việc cùng nhau bằng cách sắp xếp không gian làm việc mở hoặc các khu vực làm việc chung. Tạo cơ hội cho họ tham gia vào các dự án hoặc nhiệm vụ cần sự phối hợp chặt chẽ.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu và xây dựng câu lạc bộ sở thích: Tổ chức các hoạt động giao lưu định kỳ như tiệc tùng, sự kiện thể thao, hoặc các buổi gặp mặt không chính thức. Đồng thời, khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ chia sẻ sở thích chung như câu lạc bộ sách, thể thao, hoặc nghệ thuật.
- Giao công việc đòi hỏi sự phối hợp và tương tác: Giao cho các nhân viên những nhiệm vụ hoặc dự án cần sự phối hợp nhóm và tương tác liên tục, đặc biệt là giữa các bộ phận khác nhau.
- Sử dụng thời gian check-in và check-out để kết nối: Bắt đầu mỗi cuộc họp bằng thời gian check-in để các thành viên chia sẻ những cập nhật cá nhân hoặc những tin tức quan trọng, và kết thúc bằng thời gian check-out để đánh giá và chia sẻ cảm nhận về cuộc họp.
Quy tắc số 2: Presence and Attention – Hiện diện và chú ý
Trong môi trường làm việc hiện đại, nơi có quá nhiều yếu tố gây phân tâm, việc duy trì sự chú ý trở nên ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, một quá trình tương tác không bị phân tâm là yếu tố quan trọng giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt, nâng cao động lực và gắn kết tích cực.
Khi các nhà lãnh đạo trong tổ chức thể hiện sự hiện diện và sẵn sàng gặp gỡ, tương tác với nhân viên, điều này không chỉ xây dựng niềm tin mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của đội ngũ. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Kinh tế Lao động, làm việc cùng nhau không chỉ tiếp thêm năng lượng cho từng cá nhân mà còn nâng cao hiệu quả công việc. Yếu tố này góp phần đáng kể vào sự gắn kết và sự hài lòng của nhân viên.
Vậy nên hiện diện và chú ý như thế nào?
– Hãy quan tâm đến nhân viên và chú ý đến cách họ thể hiện bản thân.
– Đặt câu hỏi để lắng nghe cách họ tiếp cận công việc và xử lý nhiệm vụ.
– Khi nhân viên tương tác, hãy phản hồi nhanh chóng và chi tiết, đồng thời kết nối họ với các nguồn lực cần thiết nếu họ yêu cầu hỗ trợ.
Quy tắc số 3: Performance – Hiệu suất
Một cách hiệu quả để thúc đẩy sự gắn kết là tạo điều kiện để nhân viên đạt được hiệu suất cao trong công việc. Việc đặt ra kỳ vọng rõ ràng và yêu cầu đạt được những kết quả cụ thể sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nhân viên. Họ sẽ cảm thấy gắn bó hơn với tổ chức khi công việc không chỉ phù hợp với kỹ năng của họ mà còn đủ thách thức để phát triển năng lực.
Nghiên cứu của Gallup chỉ ra rằng những công ty hoạt động hiệu quả nhất ở Hoa Kỳ có khoảng 70% nhân viên gắn kết, cao gấp bảy lần mức trung bình quốc gia. Một trong những chiến lược thành công của họ là kết hợp tính linh hoạt với trách nhiệm và huấn luyện, từ đó gia tăng hiệu quả làm việc. Khi tổ chức linh hoạt và trao quyền cho nhân viên, hiệu suất của họ cũng sẽ được nâng cao.
Quy tắc số 4: Pizza – Phúc lợi
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn cùng nhau giúp xây dựng cộng đồng, tăng cường niềm tin và nâng cao hạnh phúc, từ đó thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhân viên. Theo dữ liệu từ Gallup, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất thường là những doanh nghiệp cung cấp chế độ phúc lợi hấp dẫn.
Khi tổ chức tạo ra các trải nghiệm và phúc lợi tốt, như các bữa ăn chung (ví dụ: pizza), các chương trình chăm sóc sức khỏe, hoặc không gian làm việc thoải mái, họ cung cấp động lực mạnh mẽ cho nhân viên. Những yếu tố này giúp nhân viên hợp tác, học hỏi, giao lưu và tái tạo năng lượng, từ đó gia tăng sự gắn bó và cam kết với tổ chức.
Quy tắc số 5: Purpose – Mục đích lớn
Mục đích lớn của tổ chức được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc chuyển hóa từ năng suất sang sự phúc lợi của nhân viên. Nghiên cứu công bố trên Harvard Business Review cho thấy khi tổ chức có một mục tiêu lớn và rõ ràng, chẳng hạn như kế hoạch tăng trưởng, mở rộng quy mô, hoặc ra mắt sản phẩm mới, nhân viên có mức độ gắn kết cao hơn.
Các nhà lãnh đạo thể hiện tầm nhìn, cam kết với cổ đông và phẩm chất đạo đức tốt sẽ giúp tăng cường sự gắn bó và hiệu quả làm việc của nhân viên. Thêm vào đó, nghiên cứu từ tạp chí Psychosomatic Medicine chỉ ra rằng khi con người có ý thức rõ ràng về mục đích sống, họ không chỉ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn mà còn có tuổi thọ cao hơn.
Vậy nên chia sẻ mục đích lớn như thế nào?
– Hãy cho nhân viên thấy bức tranh lớn của doanh nghiệp và vai trò quan trọng của họ trong việc hiện thực hóa viễn cảnh đó.
– Đảm bảo rằng mục đích của tổ chức phải tập trung vào con người, không chỉ dựa trên các cam kết tài chính mà còn nhấn mạnh sự khác biệt mà nỗ lực của từng cá nhân tạo ra cho cộng đồng và đồng nghiệp. Động lực mạnh mẽ để mỗi người thức dậy mỗi sáng chính là biết rằng công việc của họ góp phần vào sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người khác.
Để tăng cường sự gắn kết, tổ chức cần áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt và toàn diện. Điều này bao gồm việc tạo ra những trải nghiệm phong phú từ việc xây dựng sự gần gũi, duy trì sự hiện diện và nâng cao hiệu suất làm việc, đến việc cung cấp các chế độ phúc lợi hấp dẫn và theo đuổi mục đích lớn. Bằng cách kết hợp những yếu tố này, tổ chức có thể xây dựng môi trường làm việc tích cực và động lực cho nhân viên.
CCExperts