Giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Việc xây dựng những cuộc trò chuyện chất lượng, không chỉ giúp cho nhân viên có được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, làm việc một cách hiệu quả mà còn giúp cho doanh nghiệp, tổ chức phát triển.

Bài viết này của CCExperts sẽ gợi ý 2 cách giao tiếp giúp bạn thành công trong các cuộc trò chuyện tại công sở.

1. “Watercooler chat” – cuộc trò chuyện ngẫu hứng giữa các nhân viên

1.1. “Watercooler chat” là gì?

“Watercooler chat” là những cuộc trò chuyện ngắn, thân mật và ngẫu nhiên giữa các đồng nghiệp trong lúc nghỉ giải lao giữa giờ làm. Những cuộc trò chuyện này thường diễn ra ở những nơi gần gũi và thoải mái như quầy nước uống, máy pha cà phê, khu vực ăn uống hay nghỉ ngơi.

 

Khác với “tám chuyện chốn công sở”, watercooler chat mang tính tích cực hơn và thường xoay quanh các chủ đề không liên quan đến công việc, như kế hoạch cuối tuần, chương trình tivi, thể thao, quyển sách yêu thích, sở thích cá nhân, gia đình, …

1.2. Nguồn gốc của watercooler chat

Thuật ngữ này xuất phát từ một nét văn hóa công sở của người Mỹ. Khi nghỉ ngơi giữa giờ làm, dân văn phòng nước này thường ra cây nước (water cooler) lấy nước và nếu thấy một đồng nghiệp khác cũng ở đó, họ sẽ chủ động bắt chuyện. Dần dần, cây nước trở thành điểm tụ tập, tán gẫu của dân văn phòng trong những giờ phút giải lao.

1.3. Lợi ích của watercooler chat

– Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Nhiều doanh nghiệp mong muốn xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ và tích cực. Điều này có thể thực hiện một cách dễ dàng bằng cách khuyến khích đội ngũ nhân viên tận hưởng thời gian nghỉ giải lao và tạo cơ hội cho họ có thể trò chuyện với nhau nhiều hơn. Một môi trường thoải mái, vui vẻ, thân thiện sẽ tác động tích cực đến tinh thần của nhân viên. Từ đó họ sẽ nỗ lực hoàn thành công việc, phát huy tối đa năng lực và cống hiến cho công ty.

Cải thiện khả năng giữ chân nhân viên: Môi trường tích cực là một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút, đặc biệt là giữ chân nhân tài. So với việc tuyển dụng người mới thì giữ chân nhân viên sẽ ít tốn kém tiền bạc và công sức hơn. Khi mọi người xây dựng được mối quan hệ làm việc tốt, thậm chí là tình bạn với đồng nghiệp, khả năng cao họ muốn tiếp tục cống hiến trong môi trường này. Nghiên cứu của Gallup cho thấy các công ty có nhân viên gắn kết cao thì tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn tới 59%.

– Gắn kết giữa đội ngũ nhân viên: Thông qua những cuộc trò chuyện ngắn và ngẫu nhiên các nhân viên có thể dễ dàng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Thông qua những chủ đề trò chuyện, nhân viên sẽ tìm thấy điểm chung bên ngoài bối cảnh công sở. Hình thức làm quen này đặc biệt hữu ích khi làm việc nhóm và tăng cường hợp tác giữa các bộ phận.  

1.4. Lưu ý

Mặc dù watercooler chat mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên có vài điều chúng ta cần lưu ý để không biến thành “bà tám công sở” hay “ông hoàng drama” trong những cuộc trò chuyện này. Đầu tiên, nên tránh những chủ đề nhạy cảm như chính trị, lương bổng hay đào sâu vào đời tư của người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh tán gẫu quá lâu làm ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, và cuối cùng là không nên làm phiền đồng nghiệp khác nếu họ muốn dành thời gian nghỉ ngơi một mình.

2. “Stay conversation” – cuộc trò chuyện thấu hiểu giữa nhân viên và lãnh đạo

2.1.  “Stay conversation” là gì?

Khác với những cuộc phỏng vấn tìm hiểu lý do khi nhân viên thôi việc, stay conversation là cuộc trò chuyện cởi mở giữa lãnh đạo công ty và nhân viên, diễn ra trước khi nhân viên quyết định tìm kiếm một cơ hội khác. Đây là dịp để cấp trên tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, mục tiêu phát triển và sự hài lòng chung trong công việc của nhân viên. Các buổi trò chuyện này có thể tổ chức hàng quý hoặc vào những thời điểm nhân viên đạt dấu mốc quan trọng như kỷ niệm gia nhập công ty.

2.2. Lợi ích của việc thực hiện stay conversation 

– Tăng sự gắn kết của nhân viên: Khi áp dụng stay conversation một cách thường xuyên sẽ thúc đẩy cảm giác tin cậy và lòng trung thành giữa người quản lý và nhân viên. Đồng thời, khi nhân viên cảm thấy ý kiến ​​và nguyện vọng của mình được đánh giá cao, họ sẽ gắn bó và đầu tư hơn vào công việc.

– Cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên: Bằng cách chủ động giải quyết các mối quan ngại tiềm ẩn, stay conversation giúp nhà lãnh đạo xác định và giải quyết các nguyên nhân gây ra sự không hài lòng trước khi nhân viên cảm thấy bất mãn với công ty. Điều này dẫn đến tỷ lệ giữ chân nhân viên sẽ cao hơn.

– Hiệu suất nâng cao: Khi nhân viên cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ, họ có nhiều khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình hơn. Các cuộc trò chuyện trực tiếp mang đến cơ hội gắn kết nguyện vọng cá nhân với mục tiêu của tổ chức, từ đó nâng cao động lực và năng suất làm việc.

2.3. Những lưu ý sau khi thực hiện stay conversation 

Việc duy trì các cuộc trò chuyện sẽ trở nên vô nghĩa nếu nhà lãnh đạo không có sự chuẩn bị và sẵn sàng hợp tác cùng với nhân viên để đề ra kế hoạch phát triển.  Dựa trên những thông tin đã được trao đổi, hãy hành động để mang đến cho nhân viên cơ hội phát triển phù hợp. Điều này có thể bao gồm các bài tập dài hạn, chương trình cố vấn, hội thảo đào tạo hoặc hỗ trợ tài chính để nhân viên học các khóa học phục vụ cho chuyên môn.

Ngoài ra, hãy nhớ lưu giữ hồ sơ về các cuộc trò chuyện và thường xuyên theo dõi tiến độ để đảm bảo mối quan tâm của nhân viên đã được giải quyết. Bên cạnh đó, hãy yêu cầu người quản lý chịu trách nhiệm hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của các thành viên trong nhóm của họ.

Bằng cách thúc đẩy sự giao tiếp cởi mở, dù là watercooler chat hay stay conversation đều sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các mối lo ngại và làm tăng hiệu suất tổng thể. Đầu tư vào các cuộc trò chuyện trực tiếp là đầu tư cho sự thành công trong tương lai của cả nhân viên và toàn thể tổ chức.

CCExperts