Với bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt như hiện nay, luôn đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ đến từ các cá nhân, tổ chức. Và “tư duy mở” là điều sẽ tạo nên sự đột phá, đặt nền móng vững chắc cho sự “sáng tạo”, giúp cá nhân tồn tại và cạnh tranh trong thị trường đầy rẫy thách thức này.
Vậy tư duy mở là gì và những giá trị mà tư duy mở mang lại sẽ có hiệu quả như thế nào?
Hãy cùng CCExperts tìm hiểu sâu hơn về tư duy mở nhé!
Tư duy mở là gì?
Ảnh: Internet
“Tư duy mở” thường được hiểu là cách tiếp cận vấn đề hay thế giới xung quanh một cách linh hoạt, sáng tạo và không bị hạn chế bởi những rào cản, giới hạn truyền thống hay quan điểm cá nhân. Đây là một phương pháp suy nghĩ mà người ta cố gắng tránh những hẹp hòi, cứng nhắc, và đóng khung trong suy nghĩ của mình. Thay vào đó, họ mở rộng phạm vi suy nghĩ, khám phá các góc nhìn mới, và chấp nhận các ý tưởng không giống như mình.
Sự khác biệt giữa “Tư duy mở” và “Tư duy đóng”?
Ảnh: Internet
– Người có tư duy mở bao gồm:
+ Sẵn sàng thay đổi suy nghĩ khi gặp những quan điểm mới
+ Cởi mở và đón nhận các ý tưởng, góc nhìn mới mẻ
+ Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, quan điểm
+ Luôn học hỏi và cập nhật kiến thức mới
+ Linh hoạt và thích ứng tốt với những thay đổi
– Người có tư duy đóng thường có đặc điểm:
+ Không linh hoạt, khó thay đổi quan điểm
+ Ít cởi mở với các ý tưởng và góc nhìn mới
+ Hay phán xét, chỉ trích các quan điểm trái ngược
+ Khó chấp nhận sự khác biệt về văn hóa, quan điểm
+ Không thích học hỏi điều mới mẻ
Tư duy mở mang đến những lợi ích gì?
Ảnh: Internet
– Tư duy sâu sắc hơn: tư duy mở không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức và ý tưởng mới mà còn mở rộng đến việc hiểu sâu sắc hơn về con người người và các tình huống. Bằng cách này, những người có tư duy mở có khả năng đối diện và giải quyết các thử thách một cách tinh tế và hiệu quả hơn. Họ thường có khả năng đánh giá các tình huống với nhiều góc nhìn khác nhau, đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và hiểu được nhiều mặt của vấn đề.
Nhân sinh quan của họ thường phản ánh sự tôn trọng đối với sự đa dạng và sự khác biệt, giúp họ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người xung quanh và trong công việc. Điều này cũng có thể dẫn đến sự sáng tạo và đổi mới, khi họ có thể kết hợp các ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra những giải pháp mới mẻ và hiệu quả hơn.
– Trải nghiệm nhiều điều mới mẻ: tư duy mở kích thích sự nỗ lực không ngừng, luôn trong tâm thế vững vàng tiếp nhận mọi vấn đề và xử lý một cách tối ưu nhất. Bên cạnh đó, các kiến thức mới cũng sẽ được tích lũy, từ đó tư duy và cả tâm hồn sẽ trở nên phong phú hơn, tiến bộ và ngày càng phát triển hơn.
– Thích nghi và giải quyết các vấn đề hiệu quả: tiếp nhận vấn đề dưới góc nhìn bao quát hơn, dễ dàng thích ứng và tìm ra các giải pháp phù hợp. Luôn chủ động và có sự linh hoạt trong công việc, học tập và môi trường sống.
– Tăng cường khả năng sáng tạo, đổi mới: tư duy mở thúc đẩy chúng ta nghĩ ra những giải pháp và cách làm mới mẻ hơn bằng cách không bị giới hạn bởi những lối mòn quen thuộc. Khi chúng ta đón nhận các quan điểm khác nhau, điều này giúp kích thích não bộ hoạt động sáng tạo hơn bằng cách khai thác các ý tưởng và phương pháp từ nhiều nguồn khác nhau.
– Tinh thần lạc quan, phấn đấu không ngừng: Khi tư duy được nâng cao, mở rộng tinh thần cũng sẽ trở nên lạc quan, phấn chấn hơn. Hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống cũng đi theo chiều hướng tích cực, đem lại sự tươi mới, tràn đầy năng lượng, tạo nên một môi trường lành mạnh và chứa đựng nhiều sự hạnh phúc.
Bí quyết rèn luyện để phát triển tư duy mở
Ảnh: Internet
– Nỗ lực học hỏi, phát triển trình độ bản thân
Đọc thêm sách báo là một trong những phương thức tốt nhất giúp bạn tiếp nạp các kiến thức trong cuộc sống cũng như các khái niệm, các quan điểm đa dạng. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng tiếp thu được nhiều quan điểm xảy ra trong đời sống hiện tại hơn. Bên cạnh đó bạn nên tham gia các chương trình đào tạo để nâng cao hiểu biết, vì chính việc học hỏi liên tục giúp bạn cập nhật kiến thức và mở mang tầm nhìn.
– Sẵn sàng nắm bắt các cơ hội mới để trải nghiệm
Thử thách bản thân với những điều chưa từng làm, như đi du lịch một mình, tham gia câu lạc bộ sở thích mới… Những trải nghiệm mới này sẽ giúp bạn có những cái nhìn khác, bạn sẽ cảm giác thoải mái và tự do hơn cho bản thân bạn.
– Suy nghĩ tích cực hơn về những thất bại
Thay vì tự trách hay đổ lỗi cho chính bản thân mình hay người khác, hãy xem thất bại là cơ hội để rút ra bài học kinh nghiệm. Hãy biến những khuyết điểm thành ưu điểm, nhìn nhận khách quan hơn thì mọi thách thức, rào cản cũng sẽ không cản trợ được sự thành công của chính bạn.
– Học cách lắng nghe sự góp ý của người khác
Thay vì cảm thấy bị tấn công hay giận dữ với những lời góp ý không hài lòng, bạn nên học cách bình tĩnh, lắng nghe sự phản hồi của đối phương. Nếu bạn sẵn sàng tiếp thu những quan điểm mới này, có lẽ bạn sẽ trưởng thành và chững chạc hơn vào một ngày không xa.
– Tôn trọng sự khác biệt
Ý thức rằng mỗi người đều có những giá trị và quan niệm riêng. Việc tôn trọng và thấu hiểu các khác biệt này sẽ giúp bạn cởi mở và thoải mái hơn trong giao tiếp, môi trường sống, trong học tập và tại nơi làm việc.
– Tiếp cận với nhiều văn hóa khác nhau qua các hoạt động như:
+ Đọc sách và nhiều nguồn tài liệu về đa dạng các chủ đề như: xã hội, tâm lý, văn hóa…
+ Trao đổi và giao tiếp với những người có nền văn hóa khác nhau.
+ Tham gia một lớp học hoặc workshop về một chủ đề mới.
+ Đi đến một địa điểm mới.
Có thể giữa chúng ta sẽ luôn tồn tại những sự khác biệt, tuy nhiên điểm đến cuối cùng của mỗi người chắc hẳn vẫn luôn là sự tích cực và tối ưu nhất. Vậy nên dù là trong lối suy nghĩ, sự nhìn nhận đôi lúc sẽ khác nhau nhưng cuối cùng chính “tư duy mở” sẽ giúp chúng ta kết nối, và tạo nên sự đồng điệu hơn giữa người với người.
CCExperts