1. New collar là gì?
“New collar” chỉ những công việc đòi hỏi năng lực nhưng không cần bằng cấp, thường xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI, an ninh mạng, sản xuất xe điện và robot, theo New York Times.
New collar là những lao động sở hữu tay nghề cao, đạt được mức lương trên thang trung bình nhưng không đi theo con đường học vấn truyền thống như trường đại học mà lựa chọn các chương trình dạy nghề, học việc, tự học qua các khóa học trực tuyến… và đặc biệt phổ biến trong các ngành như chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ hay phần mềm.
Ngoài “white collar” (cổ cồn trắng), “pink collar” (cổ cồn hồng) và “green collar” (cổ cồn xanh lá), gần đây, thị trường lao động xuất hiện thêm một thuật ngữ, “new collar” (cổ cồn mới). Đây là cách dùng màu cổ áo để phân loại tính chất nghề nghiệp.
2. Nguồn gốc của new collar
New collar là một ý tưởng do Ginni Rometty, Cựu Giám đốc điều hành của IBM, đề xuất trong lá thư gửi cho vị Tổng thống mới đắc cử cuối năm 2016. Để giúp nền kinh tế Mỹ phát triển, Ginni kêu gọi tổng thống tích cực phát triển cơ hội việc làm cho nhóm lao động new collar.
Làm việc tại một tập đoàn công nghệ hàng đầu như IBM, Ginni nhận thấy có một khoảng cách tồn tại giữa những gì được dạy ở trường đại học với những gì doanh nghiệp ngoài kia thực sự cần ở nhân viên… Đó là lý do bà nảy ra suy nghĩ về một thế hệ nhân lực mới, không phải cổ cồn trắng hay xanh mà là cổ cồn mới.
Từ đó, đội ngũ nhân sự của IBM bắt đầu nhìn nhận lại các bản mô tả công việc (job description), nghiên cứu các vị trí còn trống, xác định những kỹ năng thực sự cần thiết và viết lại bản mô tả công việc mới. Họ nhấn mạnh tới kinh nghiệm liên quan và năng lực cụ thể nhiều hơn là đòi hỏi một tấm bằng chung chung, qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển cho lực lượng new collar.
3. Đã đến lúc các công ty cần thay đổi
Colleen Ammerma, Giám đốc Race, Gender and Equity Initiative tại trường Harvard Business, cho rằng sự xuất hiện của thuật ngữ “cổ cồn mới” sẽ là động lực cho các công ty thay đổi quan điểm.
Bà nêu ví dụ về ngành công nghiệp xe điện, một trong những ngành cần có nhiều công nhân lành nghề. Trước đây, những người làm trong lĩnh vực này được ngợi ca là “cổ cồn xanh lá” vì thực hiện công việc liên quan đến bảo tồn và phát triển môi trường.
Năm 2017, 2019 và 2021, Hạ viện đã giới thiệu các phiên bản của Đạo luật “Công việc Cổ cồn mới”, nhưng không thông qua. Đạo luật nhằm thúc đẩy việc làm và đào tạo nhiều nghề nghiệp, bao gồm cả an ninh mạng.
Christopher Cox, nhà nghiên cứu, người viết về nền kinh tế “cổ cồn mới”, nhận định đây là một thuật ngữ tinh tế, giúp người lao động giảm bớt nỗi lo và khiến bức tranh về thị trường lao động lạc quan hơn.
“Thật tuyệt khi có những mô hình thay thế cho chương trình đại học bốn năm”, ông cho hay.
CCExperts