Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, tính đến ngày 29/10, Việt Nam chỉ có 5 cá nhân được liệt kê vào danh sách. Đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup với giá trị tài sản ròng là 4,4 tỷ USD. Ông Vượng xếp thứ 616 trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Tiếp sau đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Vietjet Air với khối tài sản ròng trị giá 2,1 tỷ USD, xếp hạng 1.376.

Ba người Việt còn lại xuất hiện trong danh sách của Forbes là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát; ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải; ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank. Khối tài sản ròng của ba tỷ phú này lần lượt là 1,9 tỷ; 1,4 tỷ và 1,2 tỷ USD.

 Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. (Ảnh: MSN).

Trước đó, Forbes từng ghi nhận Việt Nam có 6 tỷ phú USD và người bị loại khỏi danh sách ở thời điểm ngày 29/10 là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan.

Trong tuần giao dịch 23 – 27/10, mã MSN của Tập đoàn Masan liên tiếp ghi nhận những kết quả kém tích cực. Cổ phiếu MSN có 4/5 phiên giảm, thị giá mất hơn 16,2%, đưa mã cổ phiếu này lọt Top 10 cổ phiếu giảm sâu nhất sàn HOSE, vốn hóa công ty bị “bốc hơi” hơn 16.000 tỷ đồng.

Về khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam, hồi giữa tháng 8, khi hãng xe điện VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ. Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượt từng có thời điểm vượt 77 tỷ USD, đưa vị tỷ phú Việt vươn lên vị trí thứ 16 người giàu nhất thế giới và thứ hai châu Á.

Sau đó, Forbes đã điều chỉnh cách tính tài sản với tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi không tính sự ảnh hưởng từ biến động giá cổ phiếu VinFast. Điều này khiến giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh. Theo cách tính cập nhật sau đó, khối tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã giảm khoảng 2 tỷ USD do cả ba mã chứng khoán đều đang trên đường trở về vùng đáy lịch sử.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh