Sự cởi mở về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc tăng lên là tiến triển đáng hoan nghênh. Nhưng dù mức độ nhận biết cao hơn, hậu quả của các vấn đề về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc vẫn tiếp tục tăng. Vậy làm cách nào tổ chức có thể giải quyết những vấn đề cơ bản này? Hãy cùng tìm hiểu.
Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc ngày càng quan trọng hơn đối với văn hóa của công ty sau đại dịch.
Theo nghiên cứu của Mind Share Partners, 78% nhân viên thuộc thế hệ 8x – đầu 10x và 81% nhân viên thuộc thế hệ Z đã nghỉ việc vì những lý do liên quan đến sức khỏe tâm thần. Phần lớn trong số họ (91%) cho rằng công ty có trách nhiệm hỗ trợ sức khỏe tâm thần của nhân viên.
Trong khi đó, nghiên cứu của McKinsey cũng phát hiện ra một tình trạng mà họ gọi là sự mất kết nối giữa công ty và nhân viên về sức khỏe tâm thần. Ví dụ: Nghiên cứu này chỉ ra rằng 71% các công ty của nhân viên tuyến đầu nói rằng họ đang hỗ trợ hiệu quả cho sức khỏe tâm thần của đội ngũ, nhưng chỉ 27% nhân viên đồng tình với ý kiến này.
Tại sao sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc lại quan trọng?
Khả năng bảo vệ sức khỏe tâm thần của nhân viên là yếu tố thiết yếu đối với văn hóa tích cực tại nơi làm việc. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần cũng là một vấn đề tài chính to lớn vì tác động của yếu tố này lên năng suất, tình trạng nghỉ ốm và tỷ lệ nghỉ việc. Theo Deloitte, thiệt hại mà các công ty tại Vương quốc Anh phải chịu do sức khỏe tâm thần kém đã tăng 25% kể từ năm 2019, đạt mức £56 tỷ trong giai đoạn 2020-2021.
Một phần nguyên nhân có thể là do tình trạng kiệt sức mà một số nhân viên gặp phải, đặc biệt ở giai đoạn đại dịch căng thẳng nhất. Dù được nhiều nhân viên đón nhận nhưng sự thay đổi trong cách làm việc cũng có thể là một phần nguyên nhân. Bất kể vấn đề cơ bản là gì, các công ty và lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe tâm thần nếu không muốn phải trả cái giá cao hơn. Tin tốt là sự quan tâm này có thể mang lại hiệu quả. Một báo cáo khác của Deloitte chỉ ra rằng cứ 6 nhân viên thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp. Do đó, các công ty đầu tư vào hoạt động hỗ trợ và tăng cường hiểu biết về sức khỏe tâm thần có thể thu được lợi nhuận trên vốn đầu tư khoảng 500/1.
Sức khỏe tâm thần và hình thức làm việc tại nhà
Ngay từ trước đại dịch COVID-19, doanh nghiệp đã bắt đầu suy nghĩ lại về hình thức và địa điểm làm việc của nhân viên. Các biện pháp ứng phó với đại dịch đã đẩy nhanh đáng kể quá trình này, biến nơi ở trở thành chỗ làm việc của hàng triệu người. Dù hình thức làm việc từ xa mang lại tính linh hoạt, tăng thêm sự lựa chọn và cải tiến công nghệ hiệu quả hơn, một số người vẫn không thấy trải nghiệm này chỉ toàn điểm tích cực.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Royal Society for Public Health (Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia – RSPH), dù hầu hết mọi người không muốn quay lại làm việc toàn thời gian ở văn phòng, nhưng 74% nhân viên cho biết họ muốn làm việc cả ở văn phòng và tại nhà, thay vì tiếp tục làm việc hoàn toàn từ xa.
Mặc dù mô hình làm việc từ xa là điểm cộng với nhiều nhân viên nhưng có thể mang lại những thách thức mà nhà lãnh đạo cần nhận ra và có hành động xử lý:
-
Mất kết nối: Khảo sát của RSPH cho thấy 67% nhân viên cảm thấy mất kết nối với đồng nghiệp nhiều hơn khi làm việc tại nhà.
-
Khó chịu: Nhân viên cho biết họ ít vận động hơn (46%), gặp vấn đề về tư thế và đau lưng (39%) cũng như bị rối loạn giấc ngủ (46%). Tình trạng đáng báo động là cứ 4 người làm việc tại nhà thì có 1 người cho biết họ làm việc trên ghế sofa hoặc trong phòng ngủ.
-
Ranh giới bị xóa nhòa: Hiện đã có nhiều bằng chứng cho thấy những người làm việc theo hình thức từ xa và kết hợp cảm thấy không thể dừng làm việc khi ngày làm việc kết thúc. Giờ làm việc linh hoạt không cải thiện sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc mà còn có thể khiến mọi người cảm thấy họ luôn phải sẵn sàng làm việc, từ đó dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp tại nơi làm việc
Lo âu, căng thẳng và trầm cảm là những loại vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất tại nơi làm việc. Những vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi kết hợp với áp lực phải đạt được hiệu quả làm việc như trước đại dịch, sự khó khăn khi quản lý mức độ cân bằng giữa đời sống và công việc, tình trạng mất cảm giác gắn kết, cũng như nỗi lo lắng về chi phí sinh hoạt. Tất cả các yếu tố này đều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, từ đó dẫn đến tình trạng:
-
Giảm năng suất cá nhân
-
Không muốn thăng tiến hoặc phát triển sự nghiệp chậm hơn
-
Chán nản và cảm thấy tách biệt
-
Dễ cáu gắt
-
Tập trung kém
Đối với đội ngũ và toàn thể doanh nghiệp, những khó khăn về sức khỏe tâm thần có thể là:
-
Sự căng thẳng giữa đồng nghiệp tăng
-
Không hỗ trợ văn hóa và mục tiêu của công ty
-
Không linh hoạt
-
Hành vi bắt nạt và quấy rối tâm lý
-
Khả năng sáng tạo, sự đổi mới và năng suất tổng thể giảm dần
Nếu nhà lãnh đạo không quan tâm đúng mức đến sức khỏe tâm thần, những vấn đề này có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhân viên sẽ ngại chia sẻ cởi mở về cảm giác của mình vì sợ bị phán xét hoặc phân biệt đối xử. Từ đó, họ có thể bỏ lỡ cơ hội nhận trợ giúp và phát triển những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn liên quan đến tình trạng căng thẳng và trầm cảm, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường. Nhìn chung, theo tạp chí Forbes, 62% trong tổng số ngày nghỉ việc mỗi năm có thể có nguyên nhân là tình trạng sức khỏe tâm thần.
Nhưng theo khảo sát của RSPH, bất chấp hậu quả của vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, chỉ 1/3 số người tham gia khảo sát từng nhận được đề nghị hỗ trợ sức khỏe tâm thần từ công ty.
Cách tổ chức có thể giải quyết vấn đề về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Khi nhà lãnh đạo doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trong lực lượng lao động, họ có thể thực hiện một số bước tích cực để thu về lợi nhuận trên vốn đầu tư đáng kể. Người quản lý và công ty cần:
Xây dựng văn hóa hỗ trợ
Hoạt động trò chuyện về sức khỏe tâm thần là yếu tố rất quan trọng để tạo ra nền văn hóa tích cực. Nhà lãnh đạo cần đảm bảo mọi người trong tổ chức đều cam kết hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Hoạt động hỗ trợ có thể bao gồm bình thường hóa các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần, giảm sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần và đưa vấn đề ra ánh sáng nhanh nhất có thể. Bằng cách để nhân viên tham gia quá trình ra quyết định, đồng thời đảm bảo tính cởi mở và minh bạch, nhà lãnh đạo có thể khiến mọi người cảm thấy gắn bó, có quyền quyết định, cũng như tập trung và thoải mái hơn trong công việc.
Nâng cao nhận thức về dấu hiệu
Hãy đảm bảo mọi người đều nắm rõ biểu hiện của tình trạng căng thẳng, lo âu và kiệt sức, đồng thời chia sẻ những bí quyết hỗ trợ đồng nghiệp phát hiện cũng như giải quyết vấn đề. Ngoài ra, hãy chắc chắn tất cả nhân viên có thể tìm hiểu về cả những vấn đề sức khỏe tâm thần ít phổ biến hơn, chẳng hạn như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực.
Lãnh đạo bằng cách làm gương
Hãy cho nhân viên thấy bạn đang chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình bằng cách đặt ra ranh giới giữa nhà và nơi làm việc, có ý thức kiểm soát căng thẳng, nghỉ phép và sống lành mạnh.
Củng cố sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống
Hãy đảm bảo mọi nhân viên – kể cả những người làm việc từ xa – hiểu rõ cách tách biệt thời gian làm việc với thời gian cá nhân. Hãy áp dụng giờ “không họp” và thời gian không online định sẵn trong tuần làm việc.
Tổ chức các cuộc họp quy mô nhỏ hơn thường xuyên hơn
Bằng cách tổ chức các cuộc họp quy mô nhỏ và ngắn hơn một cách thường xuyên hơn, bạn có thể tạo điều kiện cho mọi người tương tác nhiều hơn, đồng thời cảm thấy sự đóng góp của mình được trân trọng. Hãy tiến hành nhiều buổi cập nhật tình hình riêng giữa người quản lý và nhân viên, cũng như đưa hoạt động tương tác xã hội vào thời gian làm việc, cả tại văn phòng lẫn qua mạng. Bạn có thể áp dụng các hình thức như giờ nghỉ uống cà phê, thời gian vui vẻ và buổi tối giao lưu để tạo ra kết nối cảm xúc tích cực.
Đo lường sức khỏe tâm thần
Các khảo sát ẩn danh và cuộc trò chuyện thường xuyên có thể góp phần theo dõi sức khỏe tâm thần của cá nhân cũng như trong toàn bộ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ nghỉ
Mọi người đều cần nghỉ ngơi. Công ty nên khuyến khích nhân viên tận dụng hết quyền lợi nghỉ phép của mình, cũng như hỗ trợ và tính đến kỳ nghỉ trong kế hoạch để các nhân viên khác không phải làm việc quá sức khi đồng nghiệp vắng mặt.
Cung cấp sự hỗ trợ về hoạt động đào tạo và phát triển
Các buổi hội thảo, cơ hội đào tạo, định hướng và nâng cao kỹ năng sẽ khiến nhân viên yên tâm rằng sự nghiệp của họ đang đi đúng hướng, đồng thời cho thấy tổ chức quan tâm đến từng thành viên trong đội ngũ.
Đưa sức khỏe tâm thần vào chính sách phúc lợi và bảo hiểm của công ty
Công ty nên quy định rõ về yếu tố sức khỏe tâm thần trong chính sách, bảo hiểm và phúc lợi của mình. Những công ty thành công sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và trị liệu thích hợp trong gói phúc lợi toàn diện dành cho đội ngũ.
Thể hiện sự ghi nhận và lòng biết ơn
Sự công nhận có thể thúc đẩy cảm giác gắn kết – yếu tố hiện được xem là nền tảng của sức khỏe tâm thần. Hoạt động ghi nhận sự đóng góp của cá nhân, khen thưởng sự thành công và thể hiện lòng biết ơn sẽ làm tăng sự tự tin, đồng thời xây dựng cảm giác kết nối với đội ngũ quản lý, đồng nghiệp cũng như toàn bộ doanh nghiệp.
Khuyến khích thói quen lành mạnh
Công ty có thể vun đắp lối sống tốt cho sức khỏe hơn trong nhân viên bằng cách ủng hộ – hoặc thậm chí đóng góp tài chính – cho phương pháp ăn uống lành mạnh, dành thời gian cho hoạt động tập thể dục hàng ngày, cũng như cung cấp thẻ tập gym có trợ cấp, các buổi thực hành chánh niệm và nhiều hoạt động khác. Tổ chức cũng có thể đặt ra “ngày sức khỏe tâm thần” rồi khuyến khích mọi người sử dụng ngày này cho hoạt động ngoài trời, thiền định và theo đuổi sở thích sáng tạo.
Cách công nghệ có thể cải thiện sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Ứng dụng về sức khỏe tâm thần
Các ứng dụng về sức khỏe tâm thần vừa có thể đưa ra bí quyết cùng lời khuyên, vừa hỗ trợ đo lường và theo dõi những biểu hiện sức khỏe tâm thần tiêu cực. Nhưng ứng dụng cũng có thể trợ giúp gián tiếp bằng cách cung cấp hoạt động học hỏi và nâng cao kỹ năng, cũng như hỗ trợ quản lý thời gian.
Khi trao cho cho nhân viên quyền truy cập các công cụ này, công ty thể hiện sự hỗ trợ đối với sức khỏe toàn diện của đội ngũ, đồng thời tiếp sức để mọi người quản lý sự cân bằng giữa đời sống và công việc, cũng như giảm cả sự căng thẳng lẫn lo âu.
Vũ trụ kỹ thuật số
Nhiều người bắt đầu nhận ra những khả năng của vũ trụ kỹ thuật số – tham gia thế giới ảo bằng kính thực tế ảo và thực tế tăng cường, chơi game chân thực, cũng như trải nghiệm sự kỳ diệu của hình thức du lịch trực tuyến. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu – trong tương lai, vũ trụ kỹ thuật số sẽ tạo ra văn phòng ảo hoàn toàn chân thực để mọi người cảm thấy như đang ở trong cùng một căn phòng, ngay cả khi cách xa đồng nghiệp nhiều dặm.
Khả năng này có thể góp phần xây dựng quan hệ kết nối và cảm giác gắn kết sâu sắc hơn. Công nghệ này cũng mang đến tiềm năng tuyệt vời cho hoạt động học hỏi và nâng cao kỹ năng, đồng thời tăng cảm giác gắn kết vô cùng cần thiết với sức khỏe tâm thần.
Nguồn: Workplace