Văn hóa doanh nghiệp được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng đến quyết định của nhân viên trong việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trên thương trường, một doanh nghiệp có thể sao chép những đặc điểm nổi bật, chiến lược, sản phẩm… của doanh nghiệp khác. Nhưng có một thứ họ không thể, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để một doanh nghiệp có thể xây dựng văn hóa khác biệt so với những doanh nghiệp, tổ chức khác?
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị cốt lõi, niềm tin, hành vi, thái độ được chia sẻ giữa các thành viên và ban lãnh đạo trong cách hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh. Văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ cách tiếp cận của tổ chức đối với nhân viên, khách hàng, các đối tác và cộng đồng.
Văn hóa doanh nghiệp được phản ánh trong những quy định, chẳng hạn như giờ làm việc, phúc lợi nhân viên, bố trí văn phòng, trang phục, quy chế tuyển dụng, sự hài lòng của khách hàng và nhiều khía cạnh khác.
Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng tốt có thể thu hút và giữ chân nhân tài. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ và thế hệ GenZ đang chiếm hơn 30% lực lượng lao động trên thị trường. Họ luôn mong muốn một môi trường đoàn kết và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình.
Tạo sự chuyên nghiệp và nâng cao doanh tiếng thương hiệu là một vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Khi nhân viên hài lòng với môi trường làm việc của mình, họ sẽ tạo ra tiếng nói chung và giúp hiệu suất công việc tăng cao. Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp thành công giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường giúp thu hút các đối tác, khách hàng ngay từ bước đầu tiên. Cho họ thấy được sự chất lượng từ môi trường doanh nghiệp cho đến các sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
Tạo những giá trị khác biệt
Để tạo ra một nền văn hóa khác biệt, các doanh nghiệp cần xác định rõ các yếu tố cấu thành sau.
- Tầm nhìn: Mỗi doanh nghiệp đều cần có cái nhìn đa chiều, hình dung được bức tranh toàn cảnh rõ nét về tương lai của một tổ chức, cá nhân hay một dự án. Tầm nhìn mô tả về tương lai của doanh nghiệp, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động, những thách thức, cơ hội để từ đó đưa ra những quyết định, hành động đúng đắn trong tương lai.
- Giá trị cốt lõi: Nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị của họ thông qua nhân viên, khách hàng, thị trường,…Giá trị cốt lõi của nhân viên là những nguyên tắc, đức tính và hành vi mà mỗi thành viên trong tổ chức coi trọng và thể hiện trong quá trình làm việc. Những giá trị cốt lõi mà một doanh nghiệp hướng cho nhân viên thường là chuyên nghiệp, tận tụy, hợp tác, sáng tạo, thăng tiến, …
- Con người: Ai sẽ là người đưa ra tầm nhìn? Ai chia sẻ những giá trị cốt lõi? Nhân sự nào trong doanh nghiệp đủ khả năng để thực hiện các giá trị? Điều đó cho thấy, con người chính là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa tích cực trong doanh nghiệp.
- Môi trường làm việc: Môi trường làm việc là một yếu tố hàng đầu quyết định sự gắn bó của nhân viên với một tổ chức, doanh nghiệp. Môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, nơi cho phép mọi người được thoải mái phát biểu ý kiến, thực hiện những ý tưởng “điên rồ”, độc đáo ngày càng phổ biến hơn tại các doanh nghiệp hiện nay. Một môi trường làm việc mở góp phần rất lớn vào sự phát triển của công ty.
Văn hóa doanh nghiệp là cốt lõi của sự thành công
Một ví dụ điển hình cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công đó chính là Google. Đội ngũ nhân viên tại đây được biết đến như những người tài năng xuất chúng hàng đầu thế giới. Bởi Google phát triển mạnh mẽ nên doanh nghiệp ngày càng mở rộng thêm nhiều chi nhánh tại các quốc gia. Tuy nhiên, việc giữ vững văn hóa ở trụ sở chính cũng vì vậy mà trở nên khó khăn. Một số phản hồi từ nhân viên cho biết họ bị stress vì làm việc môi trường cạnh tranh.
Để khắc phục điều đó, trong những năm gần đây, Google luôn cho chúng ta thấy họ có một môi trường làm việc lý tưởng như thế nào. Các buổi ăn miễn phí, hoa hồng tài chính, kỳ nghỉ, tiệc tùng cho nhân viên, phòng Gym…. Và điều tuyệt vời nhất đó chính là họ đã tạo ra một môi trường lành mạnh, sáng tạo, truyền cảm hứng để nhân viên hài lòng và cống hiến hết mình.
Lãnh đạo Google khu vực Đông Nam Á Julian Persaud đã từng khẳng định: “Điều làm nên văn hóa doanh nghiệp Google không phải là sự xa xỉ.” Chính danh tiếng và hành động của Google đã giúp chúng ta phần nào hình dung ra cách vận hành của doanh nghiệp này.
Không chỉ riêng Google, các thương hiệu toàn cầu như Facebook, Adobe, Twitter…đều quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp quy mô dù lớn hay nhỏ vẫn nên xem xét đến yếu tố văn hóa để tạo ra “chất riêng” cho thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nên cân nhắc kỹ càng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhiều nhà lãnh đạo đã mắc lỗi lớn khi áp đặt văn hóa lên đội ngũ nhân viên mà không khơi gợi nhận thức của họ với các giá trị văn hóa. Nếu không truyền đạt cặn kẽ hệ thống giá trị văn hóa doanh nghiệp mang lại lợi ích gì cho tổ chức, thậm chí nó sẽ vô tình trở nên “dư thừa” đối với doanh nghiệp,
Rất nhiều doanh nghiệp cung cấp phúc lợi giống nhau cho nhân viên. Mặc dù vậy vẫn tồn tại điểm khác biệt lớn trong phương pháp vận hành, có hoặc không phù hợp với từng đối tượng. Văn hóa tạo ra chất riêng cho doanh nghiệp, đó chính là tài sản di truyền, giữ gìn bản sắc của doanh nghiệp qua nhiều thế hệ thành viên, nhờ đó mang lại khả năng phát triển bền vững.
Thảo Vi
CCExperts